Vì sao bệnh nhân muốn chuyển viện lên tuyến trên?

Nhà bà đến bệnh viện quận chừng 2 km, trong khi tuyến trên cách xa gần 20 km. Con cái bà đều khuyên mẹ đến viện tuyến cuối mổ, dù xác định chăm nuôi ở xa sẽ vất vả tốn kém hơn, bệnh viện đông đúc sẽ phải chờ đợi lâu hơn.

Bác sĩ giải thích từng mổ nhiều ca thành công, hồi phục tốt, bà vẫn không từ bỏ ý định. Ban đầu, nguyện vọng chuyển tuyến của bà không được đáp ứng vì bệnh viện tuyến trên hết chỉ tiêu. Sau đó, Bảo hiểm Xã hội TP HCM thông báo kế hoạch chỉ tiêu mới, bà được thuận lợi chuyển viện.

Ngày 23/11, bà giải thích lý do muốn chuyển viện là "một số người quen đã chữa lòng vòng tốn nhiều thời gian, công sức, chịu đựng đau bệnh kéo dài ở tuyến dưới, đến viện lớn chữa mới khỏi. "Cả đời chưa từng mổ xẻ gì, tôi không muốn mạo hiểm sức khỏe của mình, đương nhiên máy móc, tay nghề bác sĩ bệnh viện lớn sẽ giỏi hơn", bà Hà nói.

Chuyển tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) là chuyển người bệnh từ một cơ sở khám chữa bệnh này sang một cơ sở khác để tiếp tục điều trị, được thực hiện khi có lý do chuyên môn, kỹ thuật hoặc do người bệnh yêu cầu. Nếu chuyển đúng tuyến, bệnh nhân sẽ được hưởng BHYT 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi. Nếu trái tuyến, bệnh nhân được hưởng 32-40% chi phí điều trị nội trú ở bệnh viện tuyến trung ương và 100% chi phí điều trị nội trú ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Theo quy định tại Thông tư 14 của Bộ Y tế, chuyển viện đúng tuyến là khi cơ sở tuyến dưới không đủ năng lực và điều kiện điều trị cho bệnh nhân, có chỉ định chuyển lên tuyến trên hoặc chuyển viện cùng cấp. Còn từ tuyến trên chuyển về tuyến dưới khi bệnh nhân đã được điều trị qua giai đoạn cấp cứu, bệnh đã giảm và có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới. Các trường hợp khác được xem là trái tuyến.

Không "được chuyển đúng tuyến", chị Trân, 54 tuổi, chấp nhận bỏ tiền túi từ Hà Nội vào Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) để mổ tạo hình niệu đạo cho con trai bị đứt niệu đạo sau tai nạn giao thông, vì "nghe nói bác sĩ ở đây mổ thành công nhiều ca phức tạp". Số tiền viện phí sau khi trừ BHYT trái tuyến (được thanh toán 32% chi phí thuộc phạm vi quyền lợi) khoảng 20 triệu đồng, còn lại tiền vé máy bay, chi phí đi lại, ăn ở của hai mẹ con chị và người em trai phụ chăm nuôi bệnh nhân tốn hơn 40 triệu đồng gia đình tự trả.

"Chưa đủ niềm tin là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều bệnh nhân xin chuyển viện lên tuyến trên, dù cơ sở tuyến dưới có đủ khả năng điều trị", TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội, hạng đặc biệt thuộc Bộ Y tế), nhận định. Một số trường hợp, bệnh nhân có con cái, người thân làm việc ở thành phố lớn, khi đau bệnh muốn xin chuyển tuyến từ quê lên thành phố điều trị để người thân thuận tiện chăm sóc. Ngoài ra, bệnh viện tuyến trên "hấp dẫn" người bệnh vì có thuốc tốt hơn, được chụp chiếu, xét nghiệm nhiều hơn.

Bác sĩ Hùng dẫn chứng do chưa có lòng tin, nhiều người chỉ đau ruột thừa vẫn muốn lên tuyến trung ương nằm chờ mổ, trong khi thủ thuật đơn giản này tuyến huyện làm thường quy. Bệnh nhân chấp nhận vượt tuyến không được BHYT chi trả, còn tốn kém chi phí đi lại, ăn ở khi kèm theo 3-4 người thân chăm nuôi.

Theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai (bệnh viện tại Hà Nội, hạng đặc biệt thuộc Bộ Y tế), bệnh viện tuyến trung ương được giao nhiệm vụ điều trị các ca bệnh khó, ứng dụng kỹ thuật mới, đào tạo chuyên môn cho tuyến dưới, hợp tác quốc tế. Việc phân tuyến điều trị rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu không phân tuyến, bệnh nhân có tâm lý đổ dồn lên tuyến trung ương sẽ gây quá tải, từ đó chất lượng khám chữa bệnh giảm sút, gây nhiều sai sót.

"Nếu quá tải, y bác sĩ dồn sức khám chữa, không còn thời gian thực hiện những nhiệm vụ trên, đặc biệt là thời gian cho những ca khó", bác sĩ nói.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh là nơi nhận đăng ký khám chữa bệnh ban đầu 250.000 thẻ BHYT, một trong số ít bệnh viện đa khoa tuyến quận hạng một của cả nước, trực thuộc Sở Y tế TP HCM. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện, cho biết với những kỹ thuật nằm trong danh mục, bệnh viện có khả năng điều trị, bác sĩ sẽ giải thích để bệnh nhân yên tâm ở lại điều trị. Nếu bệnh nhân vẫn chưa đủ tin tưởng, nơi này thường phối hợp mời các bác sĩ tuyến trên đến bệnh viện trực tiếp điều trị, phẫu thuật.

"Người bệnh được bác sĩ tuyến trên đến điều trị tại chỗ sẽ đỡ tốn kém thời gian, tiền bạc đi lại, chưa kể đa số tuyến trên quá tải, nếu chuyển viện đến thường phải chờ đợi lâu", bác sĩ Khanh nói.

Nếu bệnh nhân vẫn còn lo lắng, kiên quyết muốn chuyển, bệnh viện tạo điều kiện chuyển tuyến, bởi "vấn đề niềm tin rất quan trọng, bệnh nhân còn e ngại thì cứ để họ đi, mình nâng cao dần chuyên môn, tạo niềm tin thì dần dần người bệnh sẽ biết đến và quay về", bác sĩ Khanh giải thích. Khi đó, bệnh viện sẽ đánh giá xem nên chuyển bệnh nhân đi bệnh viện nào là phù hợp, liên hệ trước xem nơi đó còn khả năng tiếp nhận không để tránh trường hợp chở bệnh nhân chạy lòng vòng tìm nơi có thể khiến bệnh nặng thêm. Đồng thời, bệnh viện chuẩn bị các hồ sơ thủ tục đầy đủ để bác sĩ tuyến trên nắm được tình hình bệnh lý của bệnh nhân.

Bác sĩ Khanh cho biết không ít bệnh nhân muốn ở lại điều trị, song bệnh tình vượt quá khả năng của bác sĩ nên phải chuyển viện. "Chuyện điều trị còn là uy tín, thương hiệu của bệnh viện, nếu làm không tốt thì chuyển đi chứ giữ bệnh nhân lại làm gì, không chỉ ảnh hưởng sức khỏe người bệnh mà còn gây tiếng xấu đến bệnh viện", bác sĩ nói.

Lãnh đạo các bệnh viện cho rằng để giảm tình trạng người dân kéo lên tuyến trên khám chữa bệnh, trách nhiệm của y tế cơ sở là phải tạo được lòng tin cho bệnh nhân thông qua kết quả điều trị và chăm sóc tốt. Các bệnh viện tuyến trên cần đẩy mạnh công tác đào tạo chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến cơ sở, giúp các địa phương có thể làm chủ nhiều kỹ thuật, từ đó hạn chế được việc người dân muốn chuyển tuyến.

Những năm qua, Bộ Y tế đã nỗ lực giảm chênh lệch giữa các tuyến bằng nhiều đề án nâng cao năng lực về cơ sở vật chất và chuyên môn cho y tế cơ sở, thông qua chỉ đạo tuyến, cử bác sĩ tuyến dưới lên bệnh viện trung ương học, bác sĩ tuyến trên luân phiên về cơ sở cầm tay chỉ việc theo đề án 1816, thực hiện bệnh viện vệ tinh...

"Việc này hiện đã có kết quả, các kỹ thuật như ghép tạng, phẫu thuật tim mạch, sọ não xưa kia chỉ có bệnh viện ngoại khoa hàng đầu như Việt Đức làm thì nay nhiều bệnh viện tuyến tỉnh làm được cả", ông Hùng nói.

Để tạo thuận lợi cho người dân hơn nữa trong vấn đề chuyển tuyến, các bác sĩ cho rằng cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh như hồ sơ sức khỏe điện tử. Điều này giúp các thông tin về người bệnh, tiền sử bệnh được cập nhật lên hệ thống, giảm phiền hà cho bệnh nhân và y bác sĩ. Cần sớm liên thông thông tin giữa các cơ sở y tế thông qua cổng thông tin bảo hiểm y tế, giúp người bệnh hạn chế phải chờ đợi làm giấy tờ trực tiếp nhiều lần.

Ngoài ra, các hình thức khám chữa bệnh trực tuyến, hội chẩn trực tuyến cũng là biện pháp giảm nhu cầu chuyển tuyến của người bệnh. Bộ Y tế cần tăng cường kiểm tra, phối hợp với cơ quan bảo hiểm rà soát những trường hợp nào cần chuyển tuyến thì thanh toán.


Nguồn:VNEXPRESS