Vết sẹo đeo bám tinh thần người bệnh ung thư

Bệnh nhân bị đầy bụng, trào ngược axit, sút 3 kg trong một tháng nên đi khám, được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn muộn. Do khối u quá lớn, phức tạp nên bác sĩ chỉ định mổ mở để lấy trọn u, xử lý triệt để bệnh. Thể trạng người bệnh yếu, nặng 42 kg, tinh thần suy sụp, nên cuộc mổ thêm phần khó.

Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục nâng cao thể trạng và xạ trị theo phác đồ. Tuy nhiên, chị liên tục bị sốc và ám ảnh với vết mổ dài trước ngực, "ví như con rết sần sùi", không dám nhìn thẳng vào vết sẹo cũng như không muốn điều trị.

"Nó khiến tôi cảm giác là bệnh tật đeo bám, nỗi lo lắng càng tăng lên, sợ đi viện, sợ bác sĩ, ám ảnh len cả vào giấc ngủ", người phụ nữ chia sẻ.

Trường hợp khác, nữ, 43 tuổi, bị đau tức ngực, đi khám nhiều nơi nhưng không chẩn đoán được bệnh. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ nghi ngờ ung thư vú nhưng chưa thể khẳng định. Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu chỉ định phẫu thuật, cắt toàn bộ khối u và đi xét nghiệm. Tuy nhiên, chị sợ việc cắt ngực sẽ ảnh hưởng tình cảm vợ chồng và các hormone nội tiết trong cơ thể.

"Ngực là cơ quan đặc trưng nữ giới, việc cắt bỏ một bên và để lại vết sẹo lớn vừa ảnh hưởng chất lượng cuộc sống vừa ảnh hưởng cả tâm lý", bác sĩ nói.

Sau hội chẩn, ê kíp quyết định phẫu thuật để xử lý khối u, đồng thời phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng có thể mổ tái tạo ngay, tùy thuộc vào thể trạng và tình trạng khối u.

Vết mổ rạch ngang cổ cũng là ám ảnh của bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Trước đây, bác sĩ rạch đường ngang cổ, độ dài tùy thuộc tình trạng bệnh, để lại vết sẹo dài ảnh hưởng thẩm mỹ. Ngoài ra, sau phẫu thuật, bệnh nhân còn gặp các vấn đề khác như nuốt vướng, dị ứng. Như bệnh nhân nữ 30 tuổi, mắc ung thư giáp 10 năm, phải đeo khăn nhỏ quấn ngang cổ hoặc mặc áo cổ cao để che đi vết sẹo 5 cm.

"Nhiều người không biết thì nói làm điệu, người biết thì hỏi `bị ung thư à` càng khiến tôi buồn hơn", chị nói.

Theo bác sĩ Tỵ, bệnh nhân ám ảnh vết sẹo trước tiên do lo ngại "việc động dao kéo" làm cho khối u bùng phát, lan tràn và di căn nhanh hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc xét nghiệm, chụp chiếu đôi khi không phản ánh đúng, toàn diện căn bệnh. Chỉ trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ mới có thể chẩn đoán chính xác tình trạng khối u, do đó "dao kéo" là rất cần thiết.

Sau mổ, hầu hết bệnh nhân sợ nhìn vào vết sẹo - vì nó gợi lại cảm giác bệnh tật, khiến họ lo lắng khối u sẽ tái phát, di căn. "Đây là vấn đề tinh thần, mọi người cần hiểu và cảm thông với người bệnh", bác sĩ Tỵ nói.

Cùng quan điểm, bác sĩ Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu điện, cho biết nhóm bệnh nhân trẻ, trung niên, có điều kiện về kinh tế thường dễ gặp tình trạng này hơn. Người bệnh bị sốc khi phát hiện ung thư, đặc biệt giai đoạn muộn thì tâm lý càng nặng nề.

Trong tình huống này, bác sĩ Lê Văn Thành, Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, cho rằng không nên quan niệm "bệnh nhân ung thư có thể sống được đã là tốt lắm rồi, cần gì đẹp xấu". "Dù còn sống thêm một ngày, người bệnh vẫn có quyền được chăm sóc và điều trị tốt nhất", ông Thành bày tỏ.

Do đó, trong mọi cuộc phẫu thuật, bác sĩ luôn tỉ mỉ hoàn thiện từng đường khâu, mũi chỉ, đảm bảo sẹo mổ thẩm mỹ. Xử lý vết mổ một cách thẩm mỹ cũng là liệu pháp giúp bệnh nhân giảm mặc cảm, đau đớn, có thêm động lực chiến đấu bệnh tật.

Hiện, các tiến bộ y học đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như ung thư tuyến giáp, vú, tiền liệt tuyến, đại tràng... Vì thế, các bác sĩ khuyên người bệnh nên lạc quan, thực hiện theo đúng phác đồ, kết hợp chế độ dinh dưỡng cũng như tập luyện đầy đủ.


Nguồn:VNEXPRESS