Uống cà phê mỗi ngày có hại phổi?

Trả lời:

Uống cà phê buổi sáng giúp ích cho phổi có thể do caffeine chứa polyphenol có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa tốt.

Nghiên cứu của Hàn Quốc năm 2020 đăng trên PubMed cho thấy caffeine có tác dụng tương tự thuốc giãn phế quản giúp thở dễ dàng hơn, tạm thời cải thiện chức năng phổi trong 2-4 giờ sau khi tiêu thụ. Các nhà nghiên cứu đã phân tích tần suất dùng đồ uống của hơn 3.140 người mắc bệnh hen suyễn và 158.900 người không có tiền sử bệnh hen suyễn. Kết quả cho thấy tiêu thụ cà phê làm giảm tần suất tái phát hen, tác động tích cực hơn ở nhóm nam.

Tuy nhiên, cà phê không phải là phương pháp chữa khỏi bệnh. Sử dụng đồ uống không đúng cách gây hại cho hệ hô hấp. Ho xảy ra do caffeine làm khô miệng. Một số người bị dị ứng có thể tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, nổi mề đay sau khi dùng.

Uống một tách cà phê buổi sáng có lợi cho phổi. Nhưng nếu bạn tiêu thụ hơn 400 miligam caffeine (khoảng 4 tách) một ngày có thể gây ra các tác dụng phụ như bồn chồn, run rẩy, nhức đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, mất nước. Caffeine dễ làm tăng nhịp độ hô hấp, nhịp tim và huyết áp.

Phụ nữ mang thai hoặc đang có kế hoạch mang thai, cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng cà phê. Đồ uống này khiến nhịp tim nhanh hơn nên người bệnh tim mạch cũng hạn chế sử dụng.

Cà phê còn gây khô miệng, một phần do hàm lượng caffeine làm mất nước nhẹ, giảm tiết nước bọt. Đồ uống đọng lại trong miệng thời gian dài khiến hơi thở có mùi.

Nếu bạn cần làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi tránh uống cà phê trước đó ít nhất 4 giờ. Do caffeine có tác dụng cải thiện chức năng phổi tạm thời, có thể làm sai lệch kết quả.

Nguồn:VNEXPRESS