Trẻ không tiêm chủng đầy đủ sẽ gặp nguy cơ nào?
Con trai 3 tuổi của chị Trần Thị Thu (35 tuổi, Bắc Giang) từng cấp cứu do nhiễm phế cầu khuẩn biến chứng hốc mắt cách đây nửa năm. Khi đó, bé liên tục chảy nước mũi, mắt sưng, thay đổi thị lực, kèm theo viêm mũi xoang cấp tính, nhiễm phế cầu khuẩn gây áp xe hốc mắt bên phải và có nguy cơ mù lòa. Vợ chồng túc trực ở bệnh viện để chăm sóc con nằm viện gần một tháng, các khoản chi phí tốn kém hàng chục triệu đồng.
Chị Thu cho biết gia đình chưa hiểu về vaccine, cho rằng con sẽ khỏe mạnh và không mắc bệnh khi được ăn, ngủ đúng giờ giấc, khoa học, đảm bảo dinh dưỡng.
"Mũi tiêm phế cầu hơn một triệu đồng không quá đắt với gia đình, song chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc đưa con đi tiêm, đến lúc con bị bệnh thì mới hiểu giá trị của tiêm chủng", chị Thu nói.
Tương tự, gia đình chị Thanh Tâm (30 tuổi, Hà Nội) có con trai đầu lòng từng mắc bệnh sởi biến chứng viêm phổi khi 11 tháng tuổi. Lý do là bé chưa được chủng ngừa, sau đó ốm liên tiếp và gia đình bận công việc nên quên lịch tiêm ngừa. Kể từ khi khỏi ốm, con phát triển chậm, phổi yếu hơn các bạn cùng lứa, mùa lạnh dễ bị ho kéo dài.
Kể từ đó, chị Tâm luôn chú ý tuân thủ lịch tiêm. Khi con trai thứ 2 được 9 tháng tuổi cần tiêm ngừa sởi nhưng trạm y tế hết vaccine, chị đưa con đến VNVC Lạc Long Quân để tiêm dịch vụ.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, nhiều gia đình chưa hiểu rõ về tiêm chủng, khiến trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chủng không đúng lịch, mắc bệnh, tốn kém chi phí điều trị. Trường hợp gia đình chị Thu và Tâm là các ví dụ thực tế điển hình.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hồi tháng 6/2021 chỉ ra những hậu quả khi trẻ không tiêm chủng. Trẻ dễ mắc các bệnh hiểm nghèo do biến chứng của viêm gan, lao, ho gà, bạch hầu, ví dụ sởi biến chứng tiêu chảy, viêm phổi, mù lòa, suy dinh dưỡng. Các thành viên trong gia đình dễ mắc bệnh hơn, đồng thời trẻ có thể góp phần gây bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.
Chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cũng bị giảm sút. Tổ chức này trích một nghiên cứu tại Brazil, cho thấy tuổi thọ trung bình của nước này tăng khoảng 30 năm (tính từ 1940 đến 1998), chủ yếu nhờ giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng ngừa. Việc tiêm chủng cho trẻ đã giảm số ca mắc và sự lây lan của mầm bệnh trong cộng đồng, tác động tích cực đến sức khỏe người lớn và người già.
Gia đình cũng phải chịu chi phí điều trị bệnh, biến chứng. Ví dụ, bệnh bạch hầu cần được điều trị ngay tại bệnh viện có đủ khả năng; người mắc phải cách ly và dùng thuốc đặc trị. Còn bệnh sởi có thể kéo dài tới 15 ngày, thường mất 5-6 ngày nghỉ làm hoặc nghỉ học. Người lớn bị viêm gan mất trung bình một tháng làm việc. Trong trường hợp trẻ sinh ra mắc Rubella bẩm sinh, trẻ sẽ phải điều trị suốt đời với chi phí cao.
Do đó, trẻ nên được chủng ngừa càng sớm càng tốt nhằm phòng bệnh, có điều kiện phát triển thể chất và tinh thần tốt nhất, đồng thời phòng bệnh cho cộng đồng. Bên cạnh đó, lịch tiêm theo từng độ tuổi đã được nghiên cứu và chứng minh trên thực tế để bảo đảm trẻ được phòng bệnh tốt nhất, trừ những trường hợp phải hoãn tiêm như trẻ đang bị bệnh, trẻ bị suy chức năng các cơ quan...
Trong đó, một số vaccine như lao (BCG), viêm gan B cần tiêm ngay sau sinh. Khi được 2, 3, 4 tháng tuổi, trẻ sẽ chích ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib...
Từ 6 tháng tuổi, trẻ cần tiêm phòng cúm mùa, não mô cầu BC. Từ 9 tháng tuổi, trẻ cần chích ngừa sởi, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, não mô cầu ACYW-135. Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên cần bổ sung một số vaccine rất quan trọng như thủy đậu, viêm não Nhật Bản, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A, B...
Bác sĩ Chính khuyến cáo gia đình chủ động cho trẻ chủng ngừa, trong bối cảnh toàn quốc khan hiếm vaccine tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, một số loại vaccine cần thiết nhưng chưa có trong chương trình tiêm miễn phí, phụ huynh nên tiêm phòng cho trẻ như vaccine rotavirus, phế cầu khuẩn, viêm màng não do não mô cầu, thủy đậu.
Nguồn:VNEXPRESS