Thuốc lá điện tử đội lốt đồ chơi, thực phẩm
Thấy con trai 15 tuổi cầm một đồ vật hình thù ngộ nghĩnh, chị Hằng, 42 tuổi, ở Cầu giấy, nghĩ con chơi Lego thư giãn sau giờ học nên không để ý. Một lần, dọn dẹp bàn của cậu bé, chị sốc khi phát hiện đồ vật hình Lego thực chất là thuốc lá điện tử, có hương thơm lôi cuốn.
Mẹ gặng hỏi, con trai thừa nhận được bạn bè rủ rê mua thuốc lá điện tử hút khoảng vài tuần nay, giá 100.000 đồng một sản phẩm. "Con tò mò nên hút thử cho biết", con của chị Hằng giải thích.
Tương tự, chị Ân, ở Hoàng Mai, cũng hoảng hốt khi phát hiện trong balo của con có đồ vật hình hộp sữa, mùi thơm hấp dẫn, thực chất là thuốc lá điện tử. Vỏ ngoài sản phẩm dán nhãn "Milk", "Energy Drink", tức là sữa hay thức uống năng lượng.
"Ngôn từ và hình dáng sản phẩm đều dành cho trẻ em như một thức uống lành mạnh nhưng là thuốc lá điện tử trá hình", chị Ân nói, thêm rằng nhiều người lớn, trong đó có giáo viên, cũng không phát hiện được đây là thuốc lá.
Hiện nay, ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến giới trẻ bằng cách thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói dạng kẹo, sữa, đồ chơi, nhiều hương vị, giá rẻ... Đơn cử, sản phẩm thuốc lá điện tử hình hộp sữa giá 145.000 đồng cho 7.000 lần hút. Những sản phẩm có số lần hút thấp hơn giá khoảng 30.000-80.000 đồng.
Thuốc lá điện tử được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Một báo cáo của Bộ Y tế về rà soát tin tức thuốc lá và phòng chống tác hại thuốc lá trên các kênh truyền thông Internet tại Việt Nam, cho thấy trong vòng ba tháng (7-9/2019), có hơn 61.000 tin, bài đăng liên quan đến thuốc lá điện tử. Trong đó 99% tin bài được đăng trên Facebook, nội dung thông tin chủ yếu là mua bán, quảng cáo, review kinh nghiệm sử dụng.
Những lời quảng cáo như "giảm hại", "sử dụng tinh dầu chuẩn", "hàng nhập khẩu" với giá rẻ bất ngờ đã thu hút sự quan tâm và sử dụng của giới trẻ. Các sản phẩm này không chỉ được bán tại nhiều cửa hàng chuyên bán thuốc lá điện tử, mà còn ở quán tạp hóa, quán trà đá, trước cổng trường. Từ đó, học sinh dễ dàng tiếp cận và mua sử dụng.
Nguồn:VNEXPRESS