Thay dây chằng nhân tạo cho chàng trai bị chấn thương do đá bóng

Ngày 25/11, ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nam thanh niên bị đứt dây chằng chéo trước ở khớp gối phải, điều trị trễ nên tiêu biến nhiều mạch máu và gốc dây chằng.

Ca phẫu thuật được bác sĩ Vũ và ThS.BS.CKI Phan Thanh Tân trình diễn tại hội thảo khoa học "Dây chằng nhân tạo - Artificial Ligament", ngày 25/11 tại Viện nghiên cứu Tâm Anh. Toàn bộ quá trình tái tạo dây chằng kéo dài khoảng 30 phút được camera 360 độ truyền hình ảnh trực tiếp tới màn hình tại hội thảo, trước sự chứng kiến của gần 100 chuyên gia. Hội thảo do Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình kết hợp Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học (TAMRI) thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức.

Theo bác sĩ Vũ, dây chằng nhân tạo (LARS) được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhất là trong giới chơi thể thao. Chúng được làm từ một tổ hợp khoảng 3.000 sợi polyethylene bện lại với nhau nên có độ linh hoạt và mềm dẻo tốt, khả năng chịu lực 300-350 kg, độ tương thích sinh học với cơ thể cao. Do đó, người bệnh có thể vận động thoải mái mà không lo đứt dây chằng tái phát.

Trong ca mổ, bác sĩ giữ lại phần gốc của dây chằng tự nhiên để nối dây chằng nhân tạo vào. 1-2 tháng sau phẫu thuật, anh Bình tiếp tục được tiêm collagen và chất nhờn để cung cấp nguyên liệu cho dây chằng tự nhiên sửa chữa các mô xơ tổn thương và phục hồi, bao bọc dây chằng nhân tạo.

Dây nhân tạo nhỏ nhưng chắc, giúp người bệnh sớm quay lại sinh hoạt hàng ngày, chơi thể thao, trong khi vẫn chữa lành cho dây chằng chính, bác sĩ Vũ giải thích.

TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Phó chủ tịch Hội Y học thể thao và Nội soi khớp Đông Nam Á, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết có nhiều kỹ thuật mổ dây chằng chéo nhưng tỷ lệ thành công không cao. Xu hướng điều trị hiện nay chủ yếu là tái tạo hoặc giữ lại dây chằng tự nhiên. Tuy nhiên, kỹ thuật mà các quốc gia khác trên thế giới thường sử dụng có chi phí gấp 3-4 lần so với kỹ thuật kết hợp dây chằng nhân tạo và tự nhiên.

"Đây là kỹ thuật đơn giản, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho người bệnh, điều then chốt để tạo nên ca mổ thành công là sự khéo léo của phẫu thuật viên", Tiến sĩ Nam Anh nói.

Tại Bệnh viện Tâm Anh, dây chằng nhân tạo là một trong những phương pháp điều trị tổn thương dây chằng mức độ nặng thường được ứng dụng. Năm 2023, các bác sĩ thực hiện hơn 400 ca tái tạo dây chằng, tăng gần 50% so với năm trước.

Bác sĩ Vũ cho biết tổn thương dây chằng là một trong những chấn thương rất dễ gặp do tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày, tham gia giao thông hoặc chơi thể thao... Nếu không điều trị sớm, người bệnh có nguy cơ giảm khả năng vận động.

Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng cảnh báo như đau, sưng tấy ở khớp gối, khớp gối chịu lực kém, đi lại khó khăn, không thể uốn cong hay gập gối... nhất là sau khi gặp chấn thương.

Phương pháp điều trị tùy thuộc mức độ chấn thương. Ở trường hợp nhẹ, người bệnh có thể được điều trị bảo tồn bằng nẹp, trị liệu RICE (nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép, nâng cao chân). Nếu tổn thương nghiêm trọng làm dây chằng rách hoặc đứt hoàn toàn, người bệnh được phẫu thuật tái tạo dây chằng.


Nguồn:VNEXPRESS