Tắc ruột
Định nghĩa
Tắc ruột là tình trạng bị tắc nghẽn cơ năng hoặc cơ học, ngăn cản sự di chuyển bình thường của thức ăn tiêu hóa khiến chúng bị tích tụ lại, gây bí tắc và không đào thải ra ngoài cơ thể được.
Triệu chứng
- Đau bụng, chướng bụng.
* Đây là dấu hiệu được cảnh báo sớm nhất.
* Có thể người bệnh sẽ bị đau từng cơn, đột ngột hoặc dữ dội rồi giảm dần.
* Khoảng 2-3 phút sau sẽ lại xuất hiện cơn đau.
- Buồn nôn, nôn liên tục.
* Triệu chứng này rất thường gặp.
* Khi xuất hiện biểu hiện nôn có thể kèm theo các cơn đau, người bệnh nôn thức ăn trước sau đó nôn ra nước mật, dịch tiêu hóa và cả phân.
- Bí trung đại tiện.
* Là dấu hiệu giúp có thể chẩn đoán chính xác tình trạng tắc ruột ở người bệnh.
* Đây là triệu chứng chứng tỏ rõ ràng sự bí tắc hoàn toàn các chất trong lòng ruột của bệnh nhân. Triệu chứng này có thể sẽ xảy ra muộn.
- Bụng căng, gõ vang.
Người bệnh gầy bị tắc ruột thì thành bụng mỏng, khi sờ có thể thấy quai ruột nổi hằn lên thành bụng. Khi chiếu sáng vào bụng có thể sẽ nhìn thấy sóng nhu động ở các quai ruột nổi cộm lên và di chuyển như rắn bò bên dưới da bụng. Dấu hiệu tắc ruột này còn được gọi là hiện tượng rắn bò, gặp trong tắc ruột cơ học.
Nguyên nhân
- Nguyên nhân trong lòng ruột, ruột non.
* Do giun đũa dính kết lại gây tắc ruột, thường gặp ở trẻ em, những người có thói quen ăn sống, uống nước lã.
* Ngoài ra, có thể bị tắc do khối bã thức ăn, thường gặp ở người già, người bị cắt dạ dày hoặc suy tụy, sỏi túi mật.
- Nguyên nhân ở thành ruột.
* Người bệnh có các khối ung thư của ruột non và của đại tràng hoặc các khối u lành tính của thành ruột với kích thước lớn có thể gây tắc ruột.
* Hẹp thành ruột do viêm nhiễm hoặc lồng ruột cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bị tắc ruột.
- Nguyên nhân ở ngoài thành ruột.
* Do dây chằng và dính các quai ruột.
* Người đã từng phẫu thuật ổ bụng (chiếm 80% trường hợp), 20% còn lại do bị chấn thương, viêm nhiễm hoặc bẩm sinh.
- Các nghiên cứu chỉ ra rằng rất nhiều nguyên nhân khác cũng gây tắc ruột như:
* Rối loạn chuyển hóa.
* Sử dụng thuốc.
* Tổn thương ruột.
* Từng bị chấn thương đường ruột.
* Đã thực hiện chiếu xạ vùng bụng.
* Bệnh động mạch ngoại biên.
* Sụt cân nhanh.
* Viêm túi thừa.
* Nhiễm khuẩn huyết.
Chẩn đoán
- Bác sĩ khám vùng bụng và hỏi về các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, xem xét bệnh sử và các thuốc bệnh nhân đang dùng.
- Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp xác định được vị trí các đoạn ruột bất thường. Các xét nghiệm thường sử dụng cho việc chẩn đoán gồm:
* Chụp X-quang.
* Chụp cắt lớp vi tính (CT).
* Siêu âm.
* Chụp X-quang cản quang.
- Đối với trẻ em bị lồng ruột, bơm thuốc cản quang barium sẽ khắc phục được tình trạng này và không cần điều trị thêm sau đó.
Biến chứng
Bị tắc ruột nếu không được điều trị kịp thời, máu không thể cung cấp đến ruột và gây chết mô. Khả năng cao dẫn đến thủng ruột, nhiễm trùng khoang bụng và tệ nhất là đe dọa tính mạng.
Điều trị
Dựa vào biểu hiện, tình trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh tắc ruột ở bệnh nhân, bác sĩ sẽ có những phác đồ trị liệu thích hợp cho từng người.
- Với tình trạng tắc ruột không hoàn toàn, người bệnh giảm bớt ăn chất xơ giúp làm nhỏ khối phân và dễ dàng đi xuống hơn. Nếu cách này không mang lại hiệu quả cao, người bệnh sẽ phải phẫu thuật.
- Bệnh nhân bị tắc ruột hoàn toàn sẽ được phẫu thuật ổ bụng để loại bỏ hết các tắc nghẽn cũng như những đoạn ruột bị hư hỏng. Bác sĩ kê toa thuốc để làm tăng nhu động ruột, đồng thời truyền nước và chất điện giải để tránh mất nước và rối loạn điện giải. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi bất kỳ đơn thuốc nào trong thời gian điều trị tắc ruột.
- Bên cạnh đó có thể sử dụng phương pháp hậu môn nhân tạo, bằng cách dùng một chiếc túi để cho phân thoát ra khỏi bụng. Hoặc, dùng cách hút mũi dạ dày, là sử dụng một ống luồn qua mũi sau đó đi vào dạ dày để các chất lỏng tiêu hóa được thoát ra ngoài Từ đó giúp giảm đau và giải áp bụng cũng như đường trực tràng, giảm áp lực cho người bệnh.
Phòng ngừa
- Tránh các chấn thương xảy ra ở vùng bụng.
- Hạn chế ăn quá nhiều chất xơ cùng một lúc như cam, quýt, măng, mít... hoặc quả chứa nhiều chất tanin như hồng giòn, hồng xiêm, ổi, vì bã của chúng có thể gây tắc ruột.
- Những người có nguy cơ bị tắc ruột phải chọn thức ăn dễ tiêu hóa.
- Bị viêm ruột thừa phải điều trị sớm.
Nguồn:VNEXPRESS