Sỏi thận âm thầm, triệu chứng xuất hiện khi bệnh nặng

Sỏi thận chiếm khoảng 30-40% trường hợp sỏi đường tiết niệu, thường diễn tiến âm thầm, khi xuất hiện triệu chứng là đã nặng, suy thận hoặc sốc nhiễm trùng nhiễm độc.


BS.CK2 Trịnh Hoàng Tín, Trưởng Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Trưng Vương, TP HCM, cho biết như trên bên lề hội nghị khoa học kỷ niệm 60 năm thành lập bệnh viện, ngày 15/11.

"Việt Nam là nước nằm trong vành đai sỏi của thế giới, tỷ lệ người Việt mắc sỏi khá cao, chiếm khoảng 70% số lượng bệnh nhân tại khoa", bác sĩ Tín nói.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Khí hậu này khiến cơ thể dễ mất nước tạo điều kiện thuận lợi hình thành và phát triển sỏi. Một số người làm việc nặng nhọc, mất nhiều nước dẫn đến nước tiểu bị cô đặc nguy cơ tạo sỏi cao. Các yếu tố khác như thói quen lối sống ít vận động, ít uống nước, thường xuyên nhịn tiểu, chế độ ăn nhiều canxi, oxalate... khiến bệnh tăng nhanh gần đây.

Bệnh diễn tiến âm thầm không có triệu chứng hoặc đôi khi chỉ có triệu chứng thoáng qua như căng tức nhẹ vùng hông lưng, tiểu gắt, tiểu buốt... Nhiều người vì vậy lơ là, bỏ qua triệu chứng. Có trường hợp tình cờ phát hiện sỏi qua siêu âm bụng hay chụp cắt lớp (CT) vì bệnh lý khác.

Bệnh phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ít gây nguy hiểm. Khi xuất hiện các biến chứng như nhiễm trùng, suy thận... thì sỏi đã lớn, điều trị phức tạp và tốn kém. Nhiều trường hợp vào viện vì sốc nhiễm trùng nhiễm độc, có bệnh nhân chưa kịp can thiệp thì đã tử vong, theo bác sĩ Tín.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát sỏi mỗi 6 tháng để phát hiện sớm. Trường hợp đau vùng hông lưng kèm sốt, tiểu gắt, tiểu buốt, nước tiểu đục... nên khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có phương pháp điều trị thích hợp, trong đó lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ được triển khai gần đây mang lại nhiều lợi ích.

Để phòng bệnh, nên uống đủ nước (từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày), chế độ ăn hợp lý, tránh thức ăn nhiều canxi, oxalate, thức ăn mặn. Thường xuyên vận động, tránh nhịn tiểu.

Bệnh rất dễ tái phát. Sau phẫu thuật, phải kiểm tra định kỳ để được bác sĩ tư vấn và theo dõi.


Nguồn:VNEXPRESS