Phòng chống tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi

Tại cuộc họp báo về chương trình “Cùng hành động vì mục tiêu loại trừ viêm gan B-C tại Việt Nam”, BS.Phạn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Sức khỏe Cộng đồng kể răng, vào thập niên 90 của thế kỷ 20, Trung tâm Medic triển khai xét nghiệm tầm soát viêm gan siêu vi B tại một nông trường. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ nhận được thông tin hàng trăm công nhân nông trường có nguy cơ bị sa thải vì có kết quả xét nghiệm dương tính. Bác sĩ Hải đã làm việc với Ban Giám đốc nông trường, can thiệp cho công nhân tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, nông trường đã thu xếp cho số công nhân trên trú ngụ tại một khu vực riêng vì sợ…lây cho những người còn lại! Hiện tượng này xảy ra vì mọi người sợ hãi, hoang mang sợ bị lây nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi B qua đường tiếp xúc thông thường.

Tại buổi họp báo, một phóng viên kể về bạn mình là bác sĩ, nhưng vẫn giấu tình trạng nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi của mình nhiều năm, cuối cùng khi phát hiện bị ung thư gan thì đã muộn, sau đó tử vong.

Nếu tại Việt Nam, người bệnh bị kỳ thị do người xung quanh chưa hiểu biết về đường lây của viêm gan siêu vi, thì tại nhiều nước trên thế giới như Australia, Anh, Hoa Kỳ, người ta lại kỳ thị người nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi vì…biết quá nhiều! Người dân biết tình trạng nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi tương tự với nhiễm HIV/AIDS, nghĩa là lây qua quan hệ tình dục, qua đường màu, đường mẹ truyền sang con khi mang thai và sinh nở. Tại Australia, do đa số người nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi C là người tiêm chích ma túy, nên hễ ai bị nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi thì họ cho rằng người đó tiêm chích ma túy! Ngay cả nhân viên y tế cũng có hành động kỳ thị, phân biệt đối xử dưới nhiều hình thức như từ chối điều trị, điều trị không chu đáo, thiếu tôn trọng…. Còn người nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi B đa số đến từ người nhập cư và con của họ, cũng gây kỳ thị trong cộng đồng bản xứ.

Tại Hoa Kỳ, cũng có tình trạng cho rằng người nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi là người nghiện chích ma túy và người xung quanh thường đặt cho những câu hỏi nghi ngờ, thiếu tôn trọng khiến họ e dè và có khuynh hướng giấu bệnh.

GS.Robert Grish, Liên minh Viêm gan Toàn cầu cho biết tại Philippines đã thành lập Tổ chức Yellow Warriors (Những chiến binh vàng) tiến hành các hoạt động giảm thiểu sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi, qua việc lặp đi lặp lại thông điệp rằng các tiếp xúc thông thương như ôm hôn, ăn uống chung không lây nhiễm viêm gan siêu vị.

Tại Hoa Kỳ, Kế hoạch hành động quốc gia về Viêm gan siêu vi xác định khi truyền thông về gánh nặng, hiểm họa viêm gan siêu vi thì cũng cần truyền thông về các giải pháp, cụ thể như:

Những điều bạn cần làm:

– Chính bạn cần có nhận thức đúng và tránh thành kiến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi.

– Không phê phán, kết tội, kỳ thị, phân biệt đối xử người bị viêm gan vi-rút. Thái độ kỳ thị là do thiếu hiểu biết và sợ hãi. Giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng có thể giảm thiểu thái độ kỳ thị.

– Chống lại tình trạng giới truyền thông đại chúng gán ghép người nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi với tệ nạn xã hội.

– Kể lại câu chuyện về tình trạng nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi của chính mình để mọi người hiểu đúng về người bệnh.

– Loại trừ viêm gan siêu vi bằng việc phát hiện bệnh sớm và tiêm phòng, theo dõi, điều trị theo chỉ định.

– Chia sẻ thông tin về viêm gan siêu vi trên các phương tiện truyền thông đại chúng như mạng xã hội, truyền hình, phát thanh…

Trân Châu (tổng hợp)