Phẫu thuật thẩm mỹ: Lột xác thành hồ điệp hay hoá thiêu thân?
Ngành công nghiệp làm đẹp toàn cầu đã tác động không nhỏ đến thị hiếu hiện tại. Khi mà chủ nghĩa hình thức lên ngôi, cái đẹp bẻ cong mọi chuẩn mực thì chuyện tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để có cơ hội lột xác cũng không còn xa lạ.
- Không như nhiều năm trước đây, việc đụng chạm dao kéo thường bị che giấu và phủ nhận, với xu hướng chung “Thà đẹp nhân tạo hơn xấu tự nhiên” thì việc thừa nhận từng phẫu thuật thẩm mỹ đã được xã hội dần chấp nhận và thấu hiểu.
- Đối với chị em phụ nữ, việc làm đẹp không chỉ để có gương mặt ưa nhìn cho người khác nhìn ngắm, mà việc chỉnh sửa lại những điểm chưa đẹp trên gương mặt còn có ý nghĩa mang lại sự tự tin khi đứng trước người khác trong giao tiếp, tạo sự hài lòng về bản thân và sự tự yêu quí hơn chính mình.
- Nhưng phương pháp làm đẹp nào cũng có tính hai mặt, không ít người đẹp, chỉ vì quá lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ để có được ngoại hình không góc chết, đã khiến dung mạo trở nên khô cứng như tượng sáp và đối mặt với đau đớn cùng hàng loạt nguy cơ về sức khỏe. Vậy phẫu thuật thẩm mỹ – lột xác thành hồ điệp hay hoá con thiêu thân?
Phẫu thuật thẩm mỹ – một bước hóa hồ điệp
Để sở hữu một ngoại hình sáng sủa ưa nhìn có nhiều cách, có thể thông qua tập thể dục để có được vóc dang thon gọn, có thể nhờ vào kiểu tóc, cách phối đồ, nhưng nhìn chung, những cách để đẹp lên truyền thống đa phần khá mất thời gian chuẩn bị và hoàn thiện.
Phẫu thuật thẩm mỹ thì khác, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền cùng khoảng thời gian ngắn trong trung tâm thẩm mỹ, bạn hoàn toàn có thể sở hữu nhan sắc một bước từ con sâu thành hồ điệp (Bươm bướm).
Đức Phúc – quán quân Giọng hát Việt 2015 là một ví dụ điển hình. Từng là tâm điểm châm biếm của cư dân mạng về ngoại hình không được ưa nhìn, từng rơi vào nỗi sợ hãi và ám ảnh những lời bình luận ác ý. Dù Đức Phúc đã có những nỗ lực giảm cân hay làm răng sứ, nhưng anh vẫn chưa cải thiện được thiện cảm của khán giả đối với mình.
Chỉ đển năm 2017, khi anh hoàn toàn lột xác nhờ phẫu thuật thẩm mỹ, anh đã khiến cả giới showbiz hoàn toàn kinh ngạc, “ếch đã thành hoàng tử” là những gì họ nói về anh. Không thể phủ nhận, phẫu thuật thẩm mỹ đã giúp anh gặt có nhiều cơ hội để phát triển tài năng hơn và thành công hơn trong sự nghiệp.
Ai cũng muốn mình đẹp, muốn hoàn thiện bản thân, lợi ích của có ngoại hình đẹp, ai cũng thấy rõ. Nên ngày càng có nhiều “con sâu” nhờ vào phẫu thuật thẩm mỹ để hóa “hồ điệp”.
Nhưng cái gì quá cũng không tốt. việc quá phụ thuộc và chạy theo phẫu thuật thẩm mỹ là hồi chuông đáng báo động.
Phẫu thuật thẩm mỹ – biến thành thiêu thân
Về bản chất, phẫu thuật thẩm mỹ không xấu, phẫu thuật thẩm mỹ mang lại cho ta cơ hội đổi đời, vậy tại sao lại xấu? Có chăng, chỉ là những người quá lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ chạy theo những trào lưu “đẹp” mới, bất chấp sức khỏe mới đáng lên án?
Dù họ cũng là nạn nhân trong việc mong muốn tiến tới cái đẹp, nhưng quá lạm dụng để đổi lại khuôn mặt không góc chết nhưng khô cứng như búp bê tượng sáp sản xuất hàng loạt liệu có xứng đáng. Thậm chí, có rất nhiều người đã đẹp rồi, nhưng do chạy theo những chuẩn mực “đẹp” của xã hội mà họ đánh mất nhan sắc vốn có của mình khiến cho nhiều người tiêc nuối.
Thêm vào đó, không có việc “lột xác” nào lại không đau đớn, để đánh đổi lại được ngoại hình ưa nhìn thì cũng phải trải qua đau đớn rất nhiều và đối mặt với hàng loạt nguy cơ. Việc mù quáng chạy theo phẫu thuật thẩm mỹ đẩy nguy cơ gặp biến chứng trong phẫu thuật lên rất nhiều (trong đó có nguy cơ phẫu thuật hỏng và tử vong…). Ngay cả nữ hoàng dao kéo Phi Thanh Vân cũng từng khuyên “Mọi người cần suy nghĩ thật kỹ khi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ bộ phận nào đó”.
Có một ngoại hình đẹp, ưa nhìn là nhu cầu thích đáng mà ai cũng có. Việc phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình đẹp hơn cũng không xấu. Nhưng đừng quá lạm dụng, đừng tự biến mình thành con thiêu thân lao vào ngọn lửa tham vọng nhan sắc, chạy đua trên con đường phẫu thuật thẩm mỹ để đánh mất bản thân.
Hãy là những người phụ nữ đẹp và có cách làm đẹp thông minh.