Nữ bác sĩ chữa bệnh cho bào thai
Năm 2019, thai phụ 23 tuổi, ở Nghệ An, mang song thai, khám gần nhà được chẩn đoán một thai bình thường và một lưu. Bác sĩ tuyến dưới tư vấn không cần lo lắng vì thai lưu sẽ teo, không ảnh hưởng bé còn lại. Song, tháng thứ 5 thai kỳ, kết quả siêu âm cho thấy thai lưu to nhanh, còn thai bình thường dần hết ối, chậm lớn, dấu hiệu thiếu máu, nguy cơ tử vong.
Khi tiếp nhận, bác sĩ Sim phát hiện thai mắc hội chứng truyền máu thể đặc biệt (song thai không tim). Tức là một thai có hình thái bình thường đang truyền máu sang thai không tim (bị nhầm là thai lưu) gây nguy hiểm tính mạng bé bình thường.
Chị Sim cùng ê kíp ứng dụng laser quang đông – kỹ thuật vừa học ở Pháp, để điều trị hội chứng truyền máu song thai cho trường hợp này. Ê kíp phẫu thuật nội soi vào buồng ối, can thiệp kẹp mạch máu nuôi thai không tim để dừng nhận máu, từ đó cứu thai bình thường đang bị thiếu máu (do truyền máu).
Để làm được điều này, các bác sĩ phải sử dụng một thiết bị đặc biệt để đưa được camera siêu nhỏ vào trong buồng ối, nhằm truy tìm mạch máu trong bánh rau cần can thiệp. Sau đó, họ tiếp tục đưa sợi laser vào và dùng tia laser làm đông các cầu nối trong bánh rau.
Bình thường khi mổ mở, có thể quan sát trực tiếp các tổn thương. Trong trường hợp này, mổ nội soi lại càng khó hơn. Bác sĩ căng mắt vừa nhìn màn hình siêu âm, vừa nhìn màn hình nội soi để dò tìm từng mạch máu. Tay thao tác dụng cụ, chân căn ke để dùng bàn đạp laser một cách chính xác.
60 phút cân não, ca phẫu thuật can thiệp bào thai thành công.
"Khi ống nội soi xuyên vào buồng ối, các bác sĩ như đeo kính lặn để phẫu thuật do tầm nhìn trong môi trường chất lỏng bị hạn chế hơn rất nhiều. Thai nhi đạp và sinh hoạt trong buồng ối, vì vậy phải di chuyển các dụng cụ khéo léo để không làm bào thai tổn thương", bác sĩ Sim nói.
Song, quá trình giữ thai cũng rất gian nan, bác sĩ phải dùng những loại thuốc đắt nhất mới giúp thai phụ tránh đẻ non. May mắn, đến tuần thai thứ 33, người phụ nữ chuyển dạ và được mổ lấy thai. Cuộc mổ lấy thai cũng diễn ra căng thẳng, sau khi lấy thai nhi khỏe mạnh, các bác sĩ mới lấy khối thai không tim. Khối thai này phù to gấp đôi thai khỏe mạnh, tròn to, trơn trượt. Do đó, đòi hỏi bác sĩ có trình độ tay nghề cao, cẩn trọng từng chút bởi nếu không cẩn thận, khối thai sẽ khiến sản phụ vỡ tử cung, chảy máu.
"Đây là em bé đầu tiên được cứu sống và chào đời khỏe mạnh sau can thiệp bào thai điều trị hội chứng truyền máu song thai được 7 tuần", bác sĩ Sim nói, hôm 18/10.