Nội soi chỉnh lại khớp vai bị trật
Ông Nicholas Anthony đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám hôm 15/2 do đau, yếu vai và cánh tay trái. Người bệnh đeo nẹp cố định khớp vai ba tuần nhưng tình trạng không cải thiện.
ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết ông Nicholas bị trật khớp cùng đòn độ ba (cao nhất là độ 6). Khớp cùng đòn bị trật hoàn toàn, cùng với mỏm quạ lệch nhau rõ rệt; đứt dây chằng quạ đòn và dây chằng cùng đòn. Đây là hai dây chằng chính trong cấu trúc giữ vững khớp cùng đòn. Do đó, người bệnh không thể giơ tay qua đầu, rướn tay hay cầm nhấc đồ vật...
Khớp cùng đòn là khớp động nằm giữa đầu ngoài xương đòn và mặt trong mỏm cùng vai, được bao phủ bởi sụn sợi. Chức năng chính là hỗ trợ các hoạt động của vùng vai, thực hiện các hoạt động giơ tay, vươn vai... Vì vậy, khi xảy ra trật khớp cùng đòn, tùy mức độ tổn thương mà người bệnh đau, hạn chế và yếu các vận động vai; vai bên chấn thương xệ xuống, đầu ngoài xương đòn nhô lên khỏi mỏm cùng vai; phần vai chấn thương sưng đau, bầm tím...
Theo bác sĩ Ân, trước đây, phẫu thuật mở nắn và cố định khớp với đường mổ khoảng 10 cm là phương pháp chính trong điều trị trật khớp cùng đòn. Tuy nhiên, phương pháp này có thể tăng nguy cơ tổn thương các mô mềm xung quanh như dây chằng, gân, cơ... trong quá trình bác sĩ thao tác. Điều này khiến người bệnh mất máu và đau nhiều hơn sau mổ, phục hồi chậm.
Để khắc phục, người bệnh được chỉ định cố định khớp cùng đòn bằng nội soi. Phương pháp này giúp bác sĩ nhìn rõ khớp cùng đòn thông qua kính nội soi. Từ đó nắn chỉnh khớp hợp lý, tránh nguy cơ nắn chỉnh quá mức, gây đau dai dẳng và thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp sớm hơn.
Trong quá trình phẫu thuật, "dây neo giữ hai đầu" được đưa vào cơ thể để cố định khớp. Với dụng cụ này, người bệnh không phải trải qua lần phẫu thuật thứ hai để lấy dụng cụ ra như kỹ thuật đặt nẹp và một số kỹ thuật cố định khớp cùng đòn khác.
Nội soi còn giúp bác sĩ phát hiện ra các tổn thương khác ở khớp vai người bệnh (nếu có). Ở trường hợp ông Nicholas, bác sĩ Ân phát hiện người bệnh bị thoái hóa khớp cùng đòn khá nặng. Đây là thương tổn làm bào mòn lớp sụn và suy giảm chức năng hoạt động của vai. Nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể phá hủy hoàn toàn sụn khớp vai, phát triển gai xương, tổn thương xương, teo yếu cơ... Do đó, ê kíp phẫu thuật mài đầu xa của xương đòn để điều trị thoái hóa. Tất cả các vấn đề ở khớp vai được xử lý trong khoảng 60 phút.
Ngày đầu sau phẫu thuật, ông Nicholas giảm đau đáng kể, có thể cử động vai nhẹ nhàng, tự vệ sinh cá nhân và thực hiện những thao tác đơn giản. Sau ba ngày, người bệnh được xuất viện.
Bác sĩ Ân khuyến cáo trật khớp cùng đòn là chấn thương thường gặp, xảy ra khi vùng vai bị va chạm mạnh do té ngã hoặc chơi thể thao. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, chấn thương này có thể để lại những di chứng như làm suy yếu khớp, giảm khả năng vận động của vai, trật khớp tái phát, gây đau nhức kéo dài, thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp vai diễn ra sớm hơn... Người bệnh có dấu hiệu bất thường ở vai, nhất là sau khi xảy ra va chạm, cần sớm đến bác sĩ khám.
Nguồn:VNEXPRESS