Nâng vòng một sau sinh đẹp như thời thiếu nữ
Ngày 26/10, ThS.BS Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ngực chị Lệ sa trễ mức độ ba. Trong quá trình mang thai và cho con bú, tuyến sữa của người mẹ phát triển nhanh, hoạt động mạnh. Đây là nguyên nhân khiến vòng một tăng kích thước. Lượng sữa lớn làm biến dạng mô mỡ, kích thước bầu ngực lớn kéo giãn các dây chằng nâng đỡ cơ ngực và căng da. Sau khi cai sữa, bầu ngực của người mẹ teo nhỏ, chảy xệ, da nhão, nhăn nheo.
Để khắc phục tình trạng chảy xệ, bác sĩ tư vấn bệnh nhân giải pháp tăng kích thước vòng một hoặc chỉnh sửa hình dáng ngực. Trường hợp chỉ cần chỉnh sửa dáng ngực cho đẹp, bác sĩ áp dụng kỹ thuật treo ngực sa trễ mà không cần đặt túi ngực. Nếu chọn tăng kích thước, bác sĩ kết hợp đặt túi ngực. Cả hai phương pháp đều đảm bảo ba mục tiêu là nâng vị trí của nhũ hoa so với khuôn ngực, cắt bỏ da thừa, tạo hình dáng bầu ngực cho tròn đều.
Chị Lệ có cơ địa mô ngực dày nên quyết định chọn cách treo ngực sa trễ để cải thiện tình trạng chảy xệ. Bác sĩ Tấn phẫu thuật chỉ bóc tách mà không cắt bất kỳ mô tuyến vú ra khỏi bao da xung quanh, khâu xếp nếp mô ngực ở phần trên nhũ hoa theo chiều ngang để bầu ngực được treo cao. Sau đó khâu xếp nếp mô ngực ở phần dưới nhũ hoa theo chiều dọc để bầu ngực có hình dáng tròn đều. Nhờ đó người bệnh được giữ trọn thể tích bầu ngực, nhũ hoa để hạn chế giảm cảm giác.
Sau 4 giờ phẫu thuật, bầu ngực đầy đặn như thời còn con gái, vết sẹo nhỏ, đảm bảo an toàn và thẩm mỹ cho người bệnh.
Chị Lệ cho biết thời gian qua tự ti về ngoại hình sau khi sinh con. "Hiện tôi hài lòng với tạo hình ngực và tự tin chọn các kiểu trang phục tôn dáng yêu thích", chị cho biết.
Theo bác sĩ Tấn, ngoài sinh con, ngực sa trễ còn do nhiều nguyên nhân như lão hóa, tăng cân nhanh khiến da ngực căng, khi giảm cân để lại da thừa, kém đàn hồi. Một số trường hợp trọng lực của ngực khiến dây chằng vùng này căng ra và chảy xệ.
Có 4 thành phần của bộ ngực có thể bị sa trễ bao gồm:
Sa trễ vị trí: Toàn bộ bầu ngực sa xuống thấp hơn vị trí bình thường. Biểu hiện lâm sàng là chân ngực nằm thấp hơn 1/3 đường nối từ xương đòn đến khớp mu.
Sa trễ thể tích: Chân ngực ở vị trí bình thường nhưng bầu ngực sa xuống thấp.
Sa trễ da ngực: Mô tuyến và mô mỡ teo khiến thể tích bầu ngực giảm xuống nhưng phần da bọc bên ngoài không thay đổi làm cho da dư và chảy xệ.
Sa trễ quầng - nhũ hoa: Bình thường nhũ hoa nằm ở vị trí nhô ra trước nhất và nằm phía trên chân ngực.
"Bệnh sa trễ ngực không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, khiến nhiều phụ nữ căng thẳng, tự ti trong đời sống hôn nhân", bác sĩ Tấn nói.
Nguồn:VNEXPRESS