Bệnh nhân ung thư chờ 2-4 tháng mới được xạ trị
Trưa 7/11, trong một phòng diện tích gần 20 m2 tại khoa xạ trị kê 6 giường có 13 bệnh nhân, nên hai người nằm chung một giường, khá chật chội. Người thân đi theo chăm sóc các bệnh nhân này phải ra ghế đá, hành lang trong khuôn viên bệnh viện tá túc.
Bà Trần Ngọc Hà, 67 tuổi, ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, khi phát hiện mắc ung thư trực tràng được bác sĩ chỉ định xạ trị. Tuy nhiên, bệnh nhân quá đông, bác sĩ động viên bà về nhà nghỉ dưỡng, chờ xếp lịch tới lượt sẽ thông báo đến viện xạ trị. Hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện lên TP HCM chữa trị, bà phải chờ hơn hai tháng mới được gọi trở lại viện để xạ trị.
Đến nay, bà đã chạy được 2 tia xạ trong tổng số 25 tia theo phác đồ bác sĩ cho. Bà chung giường với một bệnh nhân khác, phòng ốc chật hẹp lại đông người nên sinh hoạt rất bất tiện, mệt mỏi. Tuy nhiên "bệnh nhân ai cũng hiểu, thông cảm cho bệnh viện vì các y bác sĩ ở đây rất ân cần, nhiệt tình", bà nói.
Tương tự, bà Trần Thị Dung, 47 tuổi, ở An Giang, cũng phải chờ gần hai tháng mới được xạ trị. Trong thời gian chữa trị, những bệnh nhân có điều kiện, chịu không nổi tình trạng chật chội, nóng bức khi nằm viện nên ra ngoài mướn nhà trọ ở. "Còn nhiều người nhà xa, gia đình hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi thì xin ở viện", bà Dung nói, bày tỏ mong ước bệnh viện khang trang với máy móc thiết bị đầy đủ để người bệnh được điều trị sớm nhất, tốt nhất có thể.
Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ Võ Văn Kha cho biết đơn vị có hai cơ sở, đều tại quận Ninh Kiều, quy mô 400 giường bệnh nhưng phải kê thêm 50 giường để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân. Cơ sở vật chất sử dụng hàng chục năm qua đang xuống cấp nặng nề. Đơn vị đang quá tải cả lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú. Thực tế, luôn có 500-600 bệnh nhân nằm viện điều trị.
"Chúng tôi đã cố gắng sắp xếp, sửa chữa các khoa, phòng, bố trí thêm giường bệnh, y bác sĩ làm thêm cả ngày thứ bảy và ngoài giờ để phục vụ bệnh nhân nhưng chưa thể thoát cảnh quá tải", bác sĩ Kha nói và cho biết tình hình này nặng nề nhất là ở Khoa Xạ trị.
Bệnh viện hiện chỉ có một máy xạ trị, khả năng tối đa mỗi ngày điều trị khoảng 100 lượt bệnh nhân trong khi nhu cầu 300-400 người. Các y bác sĩ khoa này chia ba ca, thay phiên làm việc liên tục từ 5h sáng hôm trước đến 3h sáng hôm sau.
"Như vậy, người bệnh muốn vào xạ trị phải chờ sắp lịch khá lâu, tới lượt mất khoảng 2-4 tháng. Đây là thực trạng khó khăn và lo lắng nhất của bệnh viện", bác sĩ Kha nói.
Ông cũng nhìn nhận một số bệnh nhân nếu được xạ trị sớm có thể hết bệnh hoặc giảm nhiều. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn họ không thể lên tuyến trên điều trị trong thời gian chờ xạ trị khiến bệnh tình trở nặng.
Theo lãnh đạo bệnh viện, tình trạng quá tải này kéo dài mấy năm qua. Đơn vị đã báo cáo, trình các cơ quan thẩm quyền để xin đầu tư máy xạ trị gia tốc mới với kinh phí 100-120 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay đề xuất này chưa được giải quyết trong khi dự án Bệnh viện Ung bướu mới quy mô 500 giường, vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng xây dựng 6 năm qua mới đạt 21%. Hiện công trình bệnh viện ung bướu lại bị đình trệ, chưa biết khi nào hoàn thành nên tình trạng quá tải ngày càng gay gắt hơn...
Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ thành lập năm 2007, trên cơ sở tách Khoa Ung bướu của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đây là trung tâm phòng, chống ung thư của Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giảm áp lực bệnh nhân ung bướu chuyển đến TP HCM...
Nguồn:VNEXPRESS