Bệnh ghẻ

Định nghĩa

Ghẻ là căn bệnh ngoài da khá gần gũi và quen thuộc, xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bệnh không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh cũng như những người xung quanh.

Nguyên nhân

- Ghẻ hay cái ghẻ (scabies, gale), tên khoa học Sarcoptes scabiei, là động vật chân đốt có kích thước rất nhỏ không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, chuyên đào "hang" để ký sinh trên da người và động vật, gây ra bệnh ghẻ.

- Ghẻ cái có rất nhiều loài khác nhau, có loài gây bệnh ở người, có loại gây bệnh ở súc vật như ngựa, cừu, dê, lợn, chó, mèo, thỏ, chuột... Tuy nhiên ghẻ cái gây bệnh ghẻ cho súc vật có thể truyền bệnh cho người.

- Thế kỷ 18, nhà sinh vật học người Italy Diacinto Cestoni phát hiện bệnh ghẻ do giống hominis gây ra.

Triệu chứng

Ghẻ có đặc điểm lâm sàng:

- Ngứa, thường là về ban đêm.

- Nổi mụn nước ở những vùng da non, mọc riêng lẻ, không thành chùm.

Đường lây

- Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, chật chội, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt.

- Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn màn.

Chẩn đoán

- Dựa vào các đặc điểm lâm sàng.

- Dựa vào tổn thương ở các vị trí đặc hiệu như lòng bàn tay, kẽ ngón tay, ngấn cổ tay, mu tay, bờ trước nách, quanh rốn, mông...

- Dựa vào dịch tễ như gia đình, tập thể nhiều người bị ghẻ, xét nghiệm máu phát hiện thấy IgE tăng cao.

- Chẩn đoán phân biệt bệnh với các loại bệnh da khác như tổ đỉa, viêm da cơ địa, nấm da...

Biến chứng

Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh gây các biến chứng như nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận...

Điều trị

- Có rất nhiều biện pháp để điều trị bệnh, tiêu diệt cái ghẻ hiệu quả.

* Người bệnh có thể khỏi hoàn toàn.

* Đôi khi cần điều trị đợt hai cách đợt một khoảng 2-7 ngày để chắc chắn điều trị dứt điểm bệnh.

- Điều trị theo tập thể nếu bệnh nhân sống trong môi trường có đông thành viên.

- Sử dụng thuốc bôi ngoài da, dạng xịt, uống theo chỉ định của bác sĩ.

* Thuốc bôi sử dụng liên tục nhiều lần. Vệ sinh da thật sạch trước khi bôi thuốc trực tiếp lên vùng da cần điều trị.

* Thuốc phải sử dụng liên tục hai tuần. Khi cơn ngứa đã qua đi, người bệnh tiếp tục bôi thuốc để phòng tránh tình trạng còn sót lại trứng cái ghẻ và tăng nguy cơ tái nhiễm.

- Người bệnh hạn chế kỳ cọ, chà xát, gãi vùng da đang bị ghẻ nhằm ngăn nguy cơ da bị nhiễm trùng.

Phòng ngừa

- Vệ sinh sạch sẽ không gian sống, dụng cụ cá nhân, quần áo, chăn màn... để loại bỏ tuyệt đối ký sinh trùng.

- Hạn chế sử dụng chung đồ dùng với người khác.

- Cách ly khi mắc bệnh để tránh lây lan cho người xung quanh.


Nguồn:VNEXPRESS