Bé trai di chứng suốt đời do nhét pin trong mũi

Ngày 26/10, bác sĩ Nguyễn Thanh Tuấn, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết bệnh nhi nhỏ tuổi, hợp tác kém nên sau khi CT ghi nhận dị vật kim loại hình tròn ở hốc mũi, bác sĩ phải đưa lên phòng mổ để gây mê nội soi lấy dị vật.

Sau khi đưa viên pin điện tử ra ngoài, bác sĩ phải lấy sạch mô hoại tử ở khu vực xung quanh pin, bơm rửa mũi. Nơi vách ngăn hoại tử bị thủng, có thể để lại di chứng suốt cuộc đời bệnh nhân, ảnh hưởng đến lỗ thông xoang, dễ gây các vấn đề như viêm xoang, sẹo hẹp ở mũi...

TS.BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết trung bình mỗi năm, nơi này tiếp nhận hơn 10 trường hợp dị vật là pin điện tử trong mũi. Pin có hóa chất nên tính ăn mòn cao, khi vừa vào cơ thể đã gây phản ứng hóa học dẫn nhiều tổn thương nguy hiểm, khi lấy ra khỏi cơ thể vẫn có thể tiếp tục khiến vết thương nghiêm trọng, biến chứng lâu dài.

Bác sĩ khuyến cáo pin điện tử ngày càng phổ biến trong các đồ chơi trẻ em, phụ huynh phải lưu ý không để pin tháo rời trong tầm mắt, tầm tay của trẻ. Trẻ nhét pin vào mũi sẽ bị thủng vách ngăn mũi, hủy các cuốn mũi, tổn thương cấu trúc bên trong mũi. Trẻ nuốt pin vào thực quản sẽ thủng thực quản... Trẻ nhét pin vào tai có thể thủng màng nhĩ, thủng các xương con, giảm thính lực, phải mổ tai để vá lại màng nhĩ hoặc chỉnh xương con cải thiện thính lực.

Lựa chọn đồ chơi phù hợp độ tuổi, tránh những món đồ nhỏ, trẻ dễ tháo rời rồi nuốt, nhét vào người. Dạy trẻ không được nhét đồ vật vào tai hay mũi họng. Cho bé đi thăm khám tại các cơ sở y tế khi có các triệu chứng chảy mũi hôi một bên, chảy máu mũi một bên tái đi tái lại.